Thấy bố mẹ chuẩn bị cặp sách, giục đến trường, Na nhăn nhó kêu bị ốm hoặc lăn ra sàn khóc. Bắt được "bài" của con, vợ chồng chị Ngân nhất quyết lôi bé lên xe, mặc Na nước mắt ngắn dài dọc đường.
Việc khó khăn nhất của vợ chồng chị Ngân vào buổi sáng là đưa được con gái đến trường. Na mới bước vào lớp 1 nhưng rất sợ đi học, thường viện đủ cớ để "trốn" ở nhà.
Anh, chị hết dỗ dành: "Na đến lớp học vui lắm, quen nhiều bạn tốt" hay "Cuối tuần bố mẹ sẽ cho con đi chơi công viên", đến dọa dẫm: "Con không đi học thì phải ở nhà một mình, sau này sẽ không biết làm gì, phải đi ăn xin"... nhưng vẫn chẳng ăn thua. Nếu cố ép được bé đến lớp thì mỗi buổi chiều đến đón con, y như rằng, mẹ Ngân sẽ lại được nghe cô giáo nhắc nhở: "Na không nghe lời, bảo đọc bài thì ngồi im, các bạn tập viết thì bé cầm bút vẽ, đến bữa cũng không ăn".
Thật ra, trước đó mấy năm, khi bố mẹ đưa đến trường mầm non, Na đã sợ và không chịu đi. Khi ấy, thấy con khóc đến khản tiếng, lại sút cân, chị Ngân xót quá nên cho Na ở nhà chơi với ông bà nội. Giờ chị mới ân hận, vì nghĩ có lẽ do từ bé ít tiếp xúc với người lạ nên bé rất nhút nhát, giờ càng sợ khi bị cô giáo mắng và bắt tuân theo kỷ luật ở lớp học.
Còn chị Huệ cũng không hiểu sao cậu con trai 6 tuổi tên Hải của mình sau những buổi đầu rất háo hức, gần đây lại chán nản, không chịu tới trường. Hồi mới đi học, cứ về đến nhà là cu cậu ríu rít kể về các bạn và cô giáo. Còn hai tuần nay, Hải viện mọi cớ để được ở nhà, từ đau bụng, đau chân đến mỏi mắt, nhức tay...
Hóa ra, đi học mấy buổi, Hải chưa quen cầm bút, chữ còn nguệch ngoạch nên các bài tập viết toàn bị điểm kém. Chị Huệ thấy vậy hay mắng con, bắt cậu bé phải ngồi mấy tiếng rèn chữ. Vì thế, Hải không còn hứng thú đến trường nữa.
Trẻ chủ yếu ngại do thích ứng kém
Theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh, chuyên gia giáo dục trường mầm non Hoàng Gia, có nhiều lý do khiến các bé bước vào lớp 1 sợ đi học: Có thể do vốn từ ít, tốc độ nói chậm hay khả năng hiểu biểu tượng toán kém khiến các bé thiếu tự tin. Tuy nhiên, những trường hợp đó không nhiều, chủ yếu các cháu ngại đi học lại vì khả năng thích ứng với với môi trường lớp học kém.
Đó thường là các bé nhút nhát, khó hòa nhập, ít tiếp xúc với bên ngoài.
Khi bắt đầu đi học, các bé phải thích nghi với một giai đoạn chuyển tiếp, từ hoạt động chơi với yếu tố hứng thú là chính sang hoạt động học tập mà điều người lớn quan tâm nhất là kết quả. Điều đó khiến bé cảm thấy căng thẳng, khó tuân thủ các yêu cầu của cô như tập trung nghe giảng, làm bài tập đầy đủ...
Theo tiến sĩ Khanh, các bậc cha mẹ nên tin tưởng rằng, bất cứ trẻ nào, trừ những em khiếm khuyết về phát triển não, đều có khả năng học lớp 1 bình thường, chỉ có tốc độ nhanh hay chậm hơn mà thôi. Vàc độ đó không phản ánh khả năng học tập của các em sau này.
Viết chữ là khó nhất với các bé
Ông Khanh cũng cho biết, bé cảm thấy khó khăn nhất là việc viết chữ, còn các kỹ năng khác như tập đọc, làm toán đơn giản hơn. Vì thế, bố mẹ không nên quá coi trọng việc viết chữ đẹp ở những tuần đầu tiên bé đi học mà hãy quan tâm rèn cho con cầm bút đúng cách và hào hứng với các chữ cái.
Nếu thấy con chưa đạt yêu cầu về các môn học ở lớp, bố mẹ đừng buông lời mắng mỏ bé hay ép bé học nhiều hoặc so sánh kiểu chỉ trích với bạn khác... Những điều này chỉ khiến các bé tổn thương, thấy việc đi học là nặng nề và không còn hứng thú với bài vở. Thay vào đó, bạn nên khen ngợi những cố gắng, thành quả dù là nhỏ nhất của con đồng thời tăng cường các hoạt động vui chơi khiến bé thấy hào hứng, tự tin hơn vào bản thân. Bạn cũng nên tìm hiểu điều kiện học tập của con ở lớp, trao đổi với giáo viên để nhờ họ kết hợp cùng giúp các bé.
Nếu bố mẹ kiên trì thực hiện, chỉ cần 6 đến 8 tuần hay nhiều nhất là 12 tuần, các bé sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn của những ngày đầu đi học, hòa nhập với trường lớp và tiếp thu bài vở bình thường.
Theo tiến sĩ Khanh, tốt nhất, bố mẹ hãy chuẩn bị tâm thế cho con đến trường từ khi còn nhỏ, rèn cho bé các thói quen tốt cũng như sự tự tin, khả năng kết bạn, thích nghi với môi trường mới.
Theo Vnexpress