Mỗi lần nghe mẹ bảo: "Bi ơi, có việc quan trọng này mẹ muốn nhờ con", Bi rất hớn hở và làm hăng hái, từ nhặt rau, lấy nước, đến tưới cây... Cu cậu thấy mình "oai" và người lớn hơn hẳn.
Theo các nhà nhà tâm lý, giáo dục, để trẻ tham gia các công việc vặt trong gia đình là một trong những phương cách tốt nhất giúp con luyện tập các kỹ năng, xây dựng lòng tự tin.
Phó giáo sư Nguyễn Công Khanh, chuyên gia trường mầm non Hoàng Gia cho biết, cũng như Bi, hầu hết trẻ đều tò mò, thích được sai vặt và cùng làm việc với người lớn. Vì thế, bố mẹ nên mạnh dạn giao cho bé một số công việc vừa sức. Thông qua đó, bé sẽ cảm thấy mình có giá trị hơn, biết cách làm nhiều việc và và tự tin hơn vào khả năng của bản thân. Qua quan sát cách con làm, bố mẹ cũng sẽ phát hiện được tiềm năng hay thiếu hụt của bé để có cách giáo dục phù hợp.
Dưới đây là những gợi ý của phó giáo sư Khanh đối với các bậc cha mẹ:
Tùy tuổi mà giao việc
Bắt đầu bước sang tuổi thứ 2, trẻ đã có thể làm được những việc lặt vặt trong nhà như lấy ghế, gấp quần áo của bé, nhặt rau cùng mẹ.
Chị Hằng, ở Thanh Trì, Hà Nội kể, cô con gái 3 tuổi tên Nấm của chị rất thích cùng mẹ gấp, cất quần áo. Mới đầu, chị thấy để bé mó tay vào vừa mất thời gian, vừa làm đồ lộn xộn hơn nhưng sau đó, chị nghĩ ra cách: Hướng dẫn bé cách gấp quần ra sao, áo và váy thì treo thế nào rồi bảo: "Từ giờ mẹ giao cho Nấm gấp và sắp xếp quần áo vào ngăn tủ của con". Cô bé tự hào lắm, thấy mình ra dáng là một "phụ nữ" như mẹ.
- Khi được 4-6 tuổi, bạn có thể dạy con cách thu dọn phòng ngủ, gấp chăn màn, quần áo của bé, lau bàn ghế, giường tủ… thậm chí rửa chậu, lau bồn rửa mặt và bồn tắm. Trẻ con rất thích được cọ rửa đồ. Những đứa trẻ 4-5 tuổi còn rất thích công việc phân loại quần áo sáng và tối màu để gấp, cất vào các ngăn tủ.
- Độ 5-6 tuổi, bé có thể giúp đỡ mẹ việc rửa chén, bát mỗi tối. Bạn có thể hướng dẫn con cách làm và giao từng phần việc như gạt thức ăn thừa vào thùng rác, tráng bát bằng nước sạch…, nhưng nhớ là chỉ để bé tiếp xúc với những đồ không dễ vỡ. Khi làm, bạn hãy trò chuyện cùng con để bé mở rộng sự hiểu biết và cảm thấy tự tin hơn.
Các bé 4-6 tuổi cũng rất thích cùng cha mẹ lau bàn, ghế, tủ, quét sân, tưới hoa, hút bụi, chăm sóc cây cảnh, chăm sóc em bé và các con vật nuôi trong nhà.
- Tới 7 tuổi, trẻ có thể tự chuẩn bị một bữa ăn. Bạn hướng dẫn con cách làm món mà chúng thích nhất và chỉ cho trẻ cách chọn các loại thực phẩm khi hai mẹ con đi chợ. Thường, các bé sẽ rất thích ăn những gì do tự tay mình nấu.
Nếu ban đầu, bé vụng về, chậm chạp, thậm chí gây đổ vỡ, bố mẹ chớ mắng mỏ, cần giải thích tại sao và kiên trì làm lại. Sau này, khi bé thành thạo, bạn cứ nghỉ ngơi thoải mái và nhớ nói cho mọi người trong gia đình cùng biết để cùng động viên trẻ.
Khi lên 7 hoặc 8 tuổi, bé có thể giúp bạn cho quần áo vào máy giặt, và khi bé lên 10 thì tự mình cho quần áo vào máy và vận hành máy giặt.
Cho trẻ tham gia vào các "kế hoạch" của gia đình
Vào những cuộc vui liên hoan, đi về quê, đi picnic, nghỉ mát, bạn có thể lên danh sách những công việc cần làm và cho bé được lựa chọn.
Người lớn nên chia ra làm 2 loại công việc: Những việc khi trẻ làm thì sẽ được thưởng và những việc bé đương nhiên phải làm vì là một thành viên trong gia đình, chẳng hạn như dậy sớm, tự mặc quần áo, chuẩn bị đồ của mình. Các bé đều thích được thưởng ngay sau khi làm tốt việc gì nên bố mẹ chớ quên.
Bố mẹ có thể cùng con gieo trồng hay chăm sóc một khu vườn. Điều này dạy bé về quan hệ nhân quả: trồng sẽ được thu hoạch, chăm tưới nước cho cây thì cây sẽ xanh tốt, chăm nhổ cỏ dại cho khóm hoa thì hoa sẽ nở đẹp hơn...
Làm cho trẻ thấy vai trò "đặc biệt" của mình
Trẻ con ở lứa tuổi nào cũng dễ mắc "bệnh lười", hay tìm cách trì hoãn thực hiện việc được giao, nhất là khi việc đó kéo dài và không thú vị. Tuy nhiên, bé sẽ hoàn thành nhanh chóng nếu biết việc đó được coi là nhiệm vụ đặc biệt. Trẻ con thường có suy nghĩ : “Chắc mình phải là một người quan trọng thì mới được giao cho công việc đặc biệt chứ”.
Chẳng hạn, khi muốn dọn dẹp lại nhà, bạn thử giao cho trẻ một công việc “đặc biệt” như thu dọn, trang trí lại căn phòng để chúng được tự làm điều đó. Để giúp trẻ không bỏ dở, bạn hãy cùng làm với con.
Theo Vnexpress