Vì sao răng khôn hàm dưới lại gây ra những phiền toái này và có cách nào để thích nghi dễ dàng hơn với chúng?
Bạn gặp rắc rối nào khi mọc răng khôn hàm dưới?
Các mầm răng khôn xuất hiện lúc khoảng 5 tuổi. Lớp men răng được tạo thành bắt đầu từ lúc 8 tuổi cho đến 12 - 16 tuổi. Những răng này còn được gọi là răng hàm thứ 3, xuất hiện sau răng hàm thứ 2 vào khoảng năm 12 tuổi, bắt đầu mọc nhú lên lúc 16 tuổi, tiếp tục mọc cho đến khi 21 tuổi.
Một chiếc răng khôn có hình dạng cuối cùng, có rễ hẳn hoi ít nhất là khi đã đến tuổi 25. Nếu không nó sẽ tiếp tục mọc cho đến khi nào có thể đạt đến hình dạng cuối cùng.
Trong 80 - 90% các trường hợp, những răng khôn hàm dưới chính là nguồn gốc nảy sinh ra những khó chịu khi mọc. Hàm răng trên có hình chữ nhật và hàm răng dưới hình chữ L nằm ngang. Phần nằm ngang của chữ L gọi là nhành ngang và phần thẳng đứng gọi là nhành dọc.
Tất cả những vấn đề khi mọc răng khôn là do thiếu chỗ ở hàm trên hay hàm dưới. Sự tiến hóa của loài người qua thời gian đã làm cho hàm răng nhỏ bớt đi. Các khó chịu thường gặp ở răng khôn hàm dưới do thiếu chỗ, chúng sẽ mọc xiên lệch, thậm chí mọc ngang và đâm cả vào răng hàm thứ 2. Còn răng khôn hàm trên thì không mắc phải hoàn cảnh như vậy, tuy nhiên cũng có những biến chứng xảy ra như nhiễm khuẩn nếu chúng mọc xiên lệch.
Các vấn đề nảy sinh khi mọc răng khôn hàm dưới thường là:
- Viêm túi vành bao quanh răng làm người bệnh cảm thấy đau đớn, khó mở miệng, khó nói, lợi sưng lên và khi hai hàm răng chạm vào nhau sẽ làm cho đau dữ dội. Người bệnh cũng có thể bị sốt. Nếu sốt cao và đau nhiều, bệnh nhân phải đi khám tại các phòng khám nha khoa.
- Viêm lợi, biểu hiện là lợi rất đỏ, nhất là vị trí răng mọc lên, người bệnh rất đau khi đánh răng.
- Viêm họng cũng thường xảy ra khi răng khôn mọc.
- Viêm tấy và có áp xe: Những trường hợp răng khôn hàm dưới mọc xiên lệch đâm vào răng bên cạnh, đâm vào má và sưng tấy nhiều vùng lợi nơi mọc lên rất có thể sẽ làm sưng tấy các vị trí trong miệng quanh răng khôn và có thể hình thành áp xe nếu không có các biện pháp xử trí.
Cũng rất may là phần lớn các răng khôn hàm dưới có xảy ra những đau đớn khó chịu nhưng không phải quá mức chịu đựng nên sau một thời gian, mỗi người đều thích nghi với những chiếc răng mới và thực sự có một hàm răng hoàn chỉnh, kể cả khi chúng ta đã 30 tuổi.
Tuy nhiên cũng có một số trường hợp do răng khôn gây ra quá nhiều đau đớn thì cần phải đến bác sĩ nha khoa xem có nên nhổ đi hay không. Đi kèm với việc nhổ răng khôn này là những di chứng có thể xảy ra, người bệnh cần biết để phòng ngừa và cần được bác sĩ giúp đỡ.
Những di chứng sau khi nhổ răng khôn
Xuất huyết: Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc xuất huyết sau nhổ răng khôn là người bệnh súc miệng quá sớm sau khi nhổ răng. Vì thế sau khi nhổ răng khôn không nên súc miệng ngay tức thì mà phải chờ ít nhất là 1 giờ sau mới súc miệng vì đây là thời gian cho tiểu cầu tập trung thành những cục máu đông, bịt kín lại vết thương tại các mạch máu. Độ sâu của vết nhổ răng khôn chừng 1 - 2cm, một răng hàm trên có 3 rễ bám vào hàm, răng hàm dưới là 2 rễ, vì thế 2 hay 3 vết thương sâu 1cm là một vết thương lớn trong vòm miệng.
Đau đớn: Trong mọi lần sau nhổ răng đều làm người bệnh cảm thấy đau nhưng sau nhổ răng khôn thì đau hơn gấp bội. Vùng hàm mặt tập trung rất nhiều dây thần kinh nên đau là phản ứng bình thường của cơ thể, tình trạng đau sẽ giảm dần khi vết thương dần lành lặn.
Viêm ổ răng: Đây là biến chứng rất dễ xảy ra sau khi nhổ răng và hiện nay người ta vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh. Nếu tình trạng viêm xảy ra nên đi khám và được chỉ định dùng kháng sinh đến khi khỏi hẳn, thông thường bệnh chỉ kéo dài 1 tuần.
Khó mở miệng: Sau khi nhổ răng khôn người bệnh cảm thấy khó mở miệng. Đó là phản xạ bảo vệ vết thương và không đáng lo ngại, chỉ sau một thời gian ngắn sẽ hết.
Theo Sức khỏe & Đời sống